Bánh Trung thu thập cẩm là hương vị bánh Trung thu truyền thống luôn được người người, nhà nhà ưa thích cũng bởi độ ngọt bùi, ngầy ngậy mà không hương vị nhân nào có được. Ngày nay những người làm bánh thường biến tấu nhân thập cẩm bằng cách thêm rất nhiều khác nguyên liệu khác vào nữa để tăng hương vị trong đó không thể không kể tới trứng muối. Bây giờ hãy cùng Nghệ thuật bếp học cách làm bánh Trung thu thập cẩm trứng muối nhé.
* Vỏ bánh truyền thống (Nguồn: Hoa Đàm)
– Bột mỳ hoa ngọc lan: 320g (có thể thay 20g bột mỳ bằng 20g bột sư tử)
– Nước đường bánh nướng: 200g
– Dầu ăn: 45g
– Lòng đỏ trứng vịt: 1 lòng (20g)
– Mật ong: 5g
– Bơ đậu phộng: 15g
– Baking soda: 1/4 muỗng cà phê
Hỗn hợp quét mặt
– Lòng đỏ trứng gà: 1 lòng
– Lòng trắng trứng gà: 1/2 lòng
– Lòng đỏ trứng vịt: 1 lòng
– Dầu ăn: 1 thìa cafe
– Nước hàng: Khoảng 3 giọt
– Sữa tươi không đường: 1 thìa cafe
* Nhân thập cẩm – trứng muối
– Hạt điều rang chín: 120g
– Vừng trắng rang chín: 120g
– Hạt dưa bóc nõn, rang chín: 120g
– Lạp xưởng: 120g
– Mứt bí: 120g
– Mứt sen: 120g
– Mỡ đường: 100g
– Lá chanh: vài lá
Nước sốt trộn nhân
– Đường xay: 50g
– Nước lọc: 50g
– Mật ngô: 50g
– Hắc xì dầu: 1tsp
– Dầu mè: 10ml
– Rượu Mai Quế Lộ: 20ml
– Bột nếp rang chín: 50g
Trứng muối: 12 quả (đã sơ chế)
* Nếu bạn chưa biết cách sơ chế trứng muối có thể tham khảo tại Nghệ thuật bếp
* Vỏ bánh
– Trộn đều tất cả các nguyên liệu trong công thức vỏ bánh (trừ bột mì), để hỗn hợp nghỉ trong khoảng 2 giờ.
– Sau 2h, cho bột mì vào, dùng tay trộn đều đến khi tạo thành một khối mịn, không dính tay. Dừng tay ngay sau khi bột đã đạt (không nhào bột quá lâu tránh bột bị chai). Để bột nghỉ trong khoảng 30 phút rồi bắt đầu đóng bánh.
Lưu ý: Trong quá trình nhào bột, nếu thấy bột quá khô có thể cho thêm chút nước đường; nếu bột quá nhão cho thêm chút bột mì để khắc phục.
* Nhân bánh
– Xắt hạt lựu hoặc đập nhỏ tất cả các nguyên liệu, lá chanh rửa sạch rồi thái sợi mỏng.
– Trồn đều nguyên liệu đã chuẩn bị trong một chiếc tô lớn, đưa lên bếp sên cho nhân nóng rồi rót nước sốt trộn nhân vào trộn đều. Sau khi nước sốt đã ngấm vào với nhân. Rắc từ từ bột bánh dẻo vào trộn thật đều.
– Dùng tay thử xem có độ kết dính chưa, nếu chưa thì bạn thêm vào một ít corn syrup hoặc rượu, nếu ướt quá thì thêm một ít bột bánh dẻo, canh đến khi nào mà các nguyên liệu kết dính lại thành khối là được.
– Để cho nhân nguội bớt, nắm tròn nhân lại rồi bọc trứng muối bên trong. Tùy thuộc vào kích thước khuôn, khối lượng trứng muối mà nắm nhân cho phù hợp. Ví dụ kích thước khuôn của bạn là 150g thì lớp vỏ thông thường sẽ là 50g, nhân là 100g (trong đó trứng muối chiếm khoảng 15-20g, còn lại là nhân thập cẩm).
* Hoàn thiện bánh
– Chia vỏ thành từng phần nhỏ theo kích thước khuôn, viên tròn, ấn dẹt lại và bọc lớp nhân bên trong.
– Chống dính khuôn bằng lớp bột mỏng hoặc một lớp dầu ăn mỏng, cho viên bánh vào đóng khuôn.
* Nướng bánh
– Lần 1: 200 độ C trong khoảng 15 phút hoặc hơn tùy vào kích cỡ bánh. Khi bánh đảm bảo 3 yếu tố: thành bánh đục, mặt bánh xém vàng, đáy bánh vàng là đạt. Lấy bánh ra (có thể xịt nước ngay khi đưa bánh ra khỏi lò), để bánh nguội hẳn rồi bắt đầu phết mặt bánh.
Trộn đều hỗn hợp phết mặt bánh, quét một lớp thật mỏng đều lên mặt bánh rồi đưa vào lò nướng lần 2.
– Lần 2: Nướng ở 200 độ C, trong khoảng 10 phút. Phết mặt bánh như lần một.
– Lần 3: Nướng ở 180 độ C, trong khoảng 8 phút.
Sấy bánh ở 130 độ C trong khoảng 15 phút để bánh bảo quản được lâu hơn.
* Sau khi nướng, vỏ bánh sẽ hơi cứng, để càng lâu vỏ bánh sẽ càng mềm và xuống màu đẹp hơn. Bánh có thể ăn trong khoảng 1 tuần tùy nhiệt độ và độ ẩm. Bảo quản bánh ở trong túi kín có túi hút ẩm.
Chúc các bạn thành công!