Chuyện thương lái Trung Quốc mua hàng với giá cao, sau đó lại đột ngột ngừng mua, trả giá bọt bèo khiến cho nông phẩm của bà con nông dân Việt rơi vào tình trạng khốn đốn, điêu đứng đã không còn là chuyện lạ.
Thế nhưng, sau rất nhiều lần bị "đánh úp" như vậy, người nông dân Việt vẫn bị mắc bẫy, tự đẩy mình vào cảnh "dở khóc, dở cười".
Lợn "ăn cả sổ đỏ, ăn thịt người"
Những ngày gần đây, tại thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc – đang lao đao vì lợn ế, lợn rẻ do thương lái Trung Quốc bỗng dưng ngừng nhập hàng.
Thịt lợn bỗng chốc giảm giá thảm hại mà vẫn không thể bản được. Nếu như trước đây giá lợn thịt thấp nhất cũng ở mức 40.000 đồng/kg lợn hơi thì đến nay giá lợn giảm đến tận đáy, chỉ từ 28.000 - 30.000 đồng/kg lợn hơi. Thậm chí, mấy ngày này chỉ còn 17.000 đồng mỗi kg mà không có người mua.
Trước đó, nhiều hộ nông dân cắm sổ đỏ lấy vốn kinh doanh, khi giá xuống thấp kỷ lục, mỗi đàn lợn xuất chuồng, lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
"Ngày trước lợn ăn khoai, ăn sắn giờ lợn ăn hết sổ đỏ, ăn cả thịt người rồi!", anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Tân Tiến - một người nuôi lợn chia sẻ.
Thịt lợn giảm giá mạnh (Hình minh họa)
Dưa hấu cũng phải "giải cứu"
Trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, khi người dân Quảng Ngãi bước vào vụ thu hoạch dưa hấu cũng là lúc thị trường rơi vào tình trạng ảm đạm.
Với năng suất khoảng 2,5 đến 3 tấn/sào, sản lượng dưa thu hoạch trong vụ đầu năm nay đạt khoảng 24.000 tấn.
Tuy nhiên, khi dưa chín, do không có người mua, nên giá dưa rớt mạnh, nhiều hộ nông dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Mộ Đức, Đức Phổ... phải bỏ dưa ngoài đồng, chưa thu hoạch hoặc sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò ăn thay cỏ!
Dưa hấu chính không có thương lái thu mua, người dân đổ cho bò ăn (Ảnh: Zing)
Lý giải về điều này, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ mạnh của Việt Nam, tuy nhiên, sản lượng dưa của Trung Quốc trong những năm gần đây cũng tăng mạnh do quy hoạch phát triển của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hiện dưa hấu nhập khẩu từ Lào và Myanmar qua các cửa khẩu của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang cạnh tranh với dưa hấu của Việt Nam do có giá rẻ hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3 - 4kg/quả, trong khi dưa hấu Việt Nam thường có trọng lượng cao hơn nên sức tiêu thụ bị hạn chế.
Trước tình trạng trên, để gỡ khó cũng như hỗ trợ bà con nông dân, siêu thị Big C cũng như Tập đoàn Hòa Phát đã giải cứu, thu mua hàng trăm tấn dưa hấu cho bà con Quảng Ngãi.
Trung Quốc ngưng thu mua, chuối đổ cho… dê ăn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, toàn tỉnh có 1.700 ha chuối cấy mô, tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Chuối thành phẩm chủ yếu được nông dân bán cho thương lái chuyển qua thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, đầu tháng 2/2017, người trồng chuối tại Đồng Nai như ngồi trên đống lửa khi chuối rớt giá và không bán được. Nguyên nhân là do, sau Tết Nguyên đán, thị trường Trung Quốc không thu mùa hàng khiến chuối chín, rụng trên cây,
Giá chuối giảm 10 lần từ mức 10.000 - 15.000 đồng/kg chỉ còn 1.000 - 1.500 đồng/kg. Nếu có người thu mua thì tiền bán chuối cũng không bù lại được chi phí bỏ ra để thuê nhân công thu hoạch. Chính vì vậy, hàng chục hecta chuối của người dân tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất chín rục trên cây.
Chuối chín đem cho dê ăn (Zing)
Đó chỉ là một vài trường hợp điển hình về tình trạng cung vượt cầu cũng như là chiêu trò tạo sốt ảo đẩy giá rồi đột ngột ngừng thu mua nông phẩm của các thương lái Trung Quốc Tại thị trường Việt Nam.
Để đối phó với tình trạng trên, các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân phải nắm bắt sát các chỉ thị cũng như thông tin của Bộ Công thương nhắm cập nhật tình hình thị trường một cách nhanh nhất, tránh những thiệt hại không đáng có.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có các phương án phát triển nông nghiệp bền vững, tìm cách liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tìm đầu ra cho nông phẩm, có các biện pháp hỗ trợ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường.