Một trong những bài học mang tính "truyền cảm hứng" nhất mà ai cũng được nghe nhiều lần trong đời là " hãy theo đuổi đam mê, làm công việc mà mình yêu thích rồi bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc " hoặc mấy thứ đại loại vậy. Trừ với những người chỉ sống vì tiền thì tôi thấy bài học này khá đúng. Vậy nhưng tôi đang cảm thấy phát ốm với con đường đam mê của mình, nhưng không phải vì bản thân cái đam mê, mà vì những con người chung đường.
Chưa có thời gian nào mà mỗi lần nghĩ đến việc đi làm là tôi thấy ngán đến tận cổ, chán nản và muốn ở nhà ngủ hoặc đi chơi cho đỡ mệt, mặc dù đó là công việc mà tôi yêu thích. Mỗi lần tôi đến chỗ làm, trước mặt tôi chỉ nhìn thấy một đám người đã bỏ cuộc, ý chí và tinh thần công việc lệch lạc, từ trẻ đến già, từ quèn nhất đến tay to nhất. Đam mê nấu ăn của tôi chưa bao giờ suy giảm, nhưng nó cũng chưa bao giờ thực sự phát triển thuận lợi vì đi bất cứ đâu tôi cũng mâu thuẫn với hầu hết những người còn lại trong bếp. Có thể tôi là một thiên tài với đầu óc khác người bình thường; cũng có thể tôi là một thằng ngu của thế kỉ, đi đâu cũng tụt hậu. Cho dù cái nào là đúng thì nó cũng đang ảnh hưởng đến tôi rất xấu.
Tôi ở trên Bếp Đơn ăn to nói lớn như này nhưng thực ra hiện tại ở ngoài đời vị trí của tôi rất quèn, ở dưới đa số người; và đó chính là lí do vì sao tôi bị ảnh hưởng nhiều. Tôi làm việc dưới trướng một tập thể lệch lạc. Khi nấu ăn, thay vì làm với mục tiêu cho đồ ăn được ngon nhất, đẹp nhất, tươi nhất; các "anh chị" của tôi làm sao để nhanh nhất, đỡ mệt nhất và đỡ bị sếp chửi nhất, đồ ăn thì chỉ được được thôi là tốt rồi. Và điều kinh khủng nhất ở đây là họ cố gắng nhanh không phải do thời gian không cho phép, mà nhanh để...nghỉ ngơi. Từ đó đủ các thể loại mánh khoé, các loại khôn vặt, các loại trá hình được áp dụng vào trong khâu chế biến món ăn. Khoản này tôi đảm bảo là rất nhiều đầu bếp đang học việc luôn luôn khao khát, nhưng riêng tôi thấy ghê tởm. Các loại mẹo với tôi chỉ đáng học khi nó vừa có ích mà lại không làm ảnh hưởng đến chất lượng và tính chất của đồ ăn, kể cả chỉ là phần nhỏ. Vì vậy, tôi không mang trong mình những tư tưởng như họ khi làm việc, và những điều tôi nhận được là: "sao mày chậm thế em ơi?", "sao mày phải tỉ mỉ khổ thế em, làm qua qua nhanh thôi!", "thôi mày biến đi để tao làm cho nhanh!", "mày đéo hợp với nghề bếp đâu em ạ!", "mày bỏ đi kiếm việc khác mà làm!" v.v... Tôi không quá đặt nặng cá nhân những lời nói như vậy, nhưng tôi thực sự cảm thấy các "sếp" của tôi đã mất gần hết nhiệt huyết vơí công việc và đang dập tắt "nhiệt" của tôi đi. Tôi nghĩ khi làm việc họ nghĩ về bản thân mình nhiều hơn là những thứ đi lên đĩa đồ ăn của khách, và tư tưởng đó rất xấu, xấu vô cùng.
Theo ngay đằng sau là những người phía dưới, trẻ hơn, có thể xếp ngang hàng với vị trí của tôi. Họ cũng là những con người đang học hỏi. Vậy nhưng giữa bọn họ, một lần nữa tôi bị cô lập. Giữa chúng tôi có rất nhiều điểm chung khi làm việc, cùng được tiếp xúc những thứ như nhau, nhưng lại có một điểm khác: họ tiếp thu cả những điều xấu từ các "anh chị" như tôi viết ở trên, và nghĩ rằng chúng là điều tốt. Và rồi sau đó là một bộ phận nhỏ ở dưới tôi cũng đi theo con đường tương tự. Chứng kiến những người trẻ với nhiều tiềm năng bị "đầu độc" là một cảm giác rất đau đớn. Với vị trí quèn của mình, tôi không thể làm gì nhiều trong trường hợp này, tất nhiên tiếng nói của tôi không thể bằng các "anh chị", và điều quan trọng là không nhiều người có tư tưởng giống với tôi; ít nhất tôi chưa gặp được quá 3 người trong số vài chục (hoặc cả trăm) người đồng nghiệp của mình. Các bạn trẻ à, mình cần phải có chính kiến, anh này nhiều kinh nghiệm, nhiều kĩ năng không có nghĩa là anh ấy nói cái gì cũng đúng. Tiếp thu có chọn lọc mới giúp mình phát triển tốt được.
Chỉ có một điều tôi muốn mọi người hiểu ở đây thôi, khi nấu ăn, câu đầu tiên mình tự hỏi luôn luôn là: " Làm thế nào để món này được ngon nhất trong thời gian cho phép nhỉ? "; không phải là "Làm thế nào để làm cái thứ này nhanh nhất cho gọn nhỉ?" Mình có 5 tiếng để chuẩn bị cho bữa tối, sắp xếp công việc sao cho mọi thứ cần thiết đều có thể hoàn thành một cách tử tế trong vòng đúng 5 tiếng đó, thay vì cố gắng làm hùng hục, cẩu thả trong vòng 4 tiếng rồi ngồi bấm điện thoại, tự khen mình hôm nay siêu quá làm nhanh như chớp. Làm đồ cần thêm thời gian hoặc nguyên liệu thì bảo sếp chờ thêm, hoặc cung cấp thêm; đừng sợ nó chửi rồi đâm ra làm vớ vẩn, mình có làm gì sai đâu mà phải sợ? Tất nhiên đầu bếp là phải nhanh, điều này không phải bàn cãi; nhưng nhanh rồi kết quả có tốt không? Nếu chỉ nhanh không thì bạn nên đi làm vận động viên điền kinh, làm ơn đừng nấu ăn. Nghĩ về đồ ăn trước, rồi mình sau; đấy là cách nghĩ của một đầu bếp thực sự có tâm.
Nghệ Thuật bếp - st